BỆNH KHẢM LÁ SẮN (KHOAI MÌ) ĐANG LÂY LAN TRÊN DIỆN RỘNG TẠI THANH HÓA

Năm nay, giá sắn (khoai mì) nguyên liệu được đẩy lên cao kỷ lục đã kích thích nông dân đầu tư vào trồng sắn. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn cung giống nên nông dân sử dụng cả giống sắn nhiễm bệnh để trồng. Điều này là rất nguy hại khiến bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng.

Chỉ riêng tại tỉnh Thanh Hóa, bệnh khảm lá sắn hiện đã lan rộng ra 5 huyện với tổng diện tích trên 2,8 nghìn ha (trong tổng số 12,9 nghìn ha sắn niên vụ 2021-2022), ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ.

Năm nay, bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại Thanh Hóa sớm hơn và tốc độ lây lan cao

Tỷ lệ bệnh khảm lá sắn phổ biến 10-15%, cao 30%, cục bộ 90%. Bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) lứa 2, mật độ phổ biến 5 con/m2, điểm cao 10 con/m2, cục bộ 30 con/m2.

Các huyện có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn nhiều như Như Xuân (1,1 nghìn ha); Thường Xuân (trên 975 ha); Như Thanh (161 ha)…

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù ngành nông nghiệp, UBND các huyện và người dân đã triển khai các giải pháp để phòng chống dịch bệnh, nhưng bệnh khảm lá sắn vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ cao lây lan ra diện rộng. Hiện nay, ngành nông nghiệp, các địa phương đã động viên bà con nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy trên 246 ha và phun trừ bọ phấn trắng 800 ha.

Bệnh khảm lá sắn là dịch hại mới do virus gây nên, hiện chưa có thuốc đặc trị. Đường lây truyền bệnh phức tạp, qua hom giống và đặc biệt lây lan cực kỳ nhanh qua môi giới truyền bệnh (bọ phấn trắng).

Trước tình hình này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa hướng dẫn nông dân sử dụng giống sắn sạch bệnh (không sử dụng các giống sắn nhiễm bệnh cao như HLS-11); tăng cường các biện pháp phòng trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng trong quá trình sản xuất.

Trả lời